Các hoạt động“ Xây dựng trường mầm non xanh- an toàn- thân thiện ”
Lượt xem:
Năm học 2022 – 2023 với chủ đề: “Xây dựng trường mầm non xanh – an toàn – thân thiện” là nhiệm vụ, mục tiêu cần đạt của bậc học Giáo dục mầm non. Chủ đề năm học cũng là Một trong Năm nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Là một trong những phong trào lớn, có tác động vô cùng tích cực đến việc xây dựng môi trường sư phạm, giáo dục khả năng tự ý thức, kĩ năng sống cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Thực hiện chủ đề “Xây dựng trường mầm non xanh – an toàn – thân thiện”, trong học kỳ I năm học 2022 – 2023 nhà trường đã thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”, nội dung kế hoạch năm học được lồng ghép, tích hợp các nội dung đảm bảo an toàn, thân thiện, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là ứng phó với dịch Covid-19; đảm bảo sự phân công trách nhiệm của các thành viên trong nhà trường, sự phối hợp với của gia đình và cộng đồng trong thực hiện kế hoạch.
Đáp ứng các tiêu chí về xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của Chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Quan tâm tạo nên một môi trường giáo dục an toàn (cả về vật chất lẫn tinh thần), bình đẳng, tạo hứng thú cho trẻ khi đến trường. Trẻ được hoạt động trong môi trường trường học an toàn, thân thiện trẻ thực sự thoải mái, năng động, sáng tạo, phát huy được năng lực cá nhân khi tham ra vào các hoạt động giáo dục, hoạt động vui chơi, hoạt trải nghiệm. Tạo cho trẻ một tinh thần thực sự thoải mái, đúng với ý nghĩa “mỗi ngày trẻ em đến trường là một ngày vui”.
Dưới đây là một số hình ảnh các hoạt động của nhà trường trong học kì I năm học 2022 – 2023
Môi trường ngoài lớp học được quan tâm, nhất là thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học với nội dung xây dựng mô hình “Trường học Xanh – An toàn – Thân thiện”, nhà trường bố trí trồng các loại cây xanh phù hợp, không độc hại; mùa nào cây, hoa ấy đảm bảo che phủ màu xanh 4 mùa, hệ thống cây xanh, hoa, cây cảnh được cắt tỉa thường xuyên đảm bảo độ an toàn, thẩm mỹ phù hợp với khuôn viên và đặc thù môi trường sư phạm. Các góc chơi trong và ngoài khu vực lớp học được trang trí phù hợp, đẹp mắt có đủ đồ dùng, đồ chơi phục vụ các chủ đề trong năm là điều kiện tốt nhất thu hút trẻ đến trường.
Từ việc việc bố trí khuôn viên, hệ thống sân chơi, cây xanh, vườn hoa, cây cảnh, vườn rau hài hòa từ cổng vào cho đến các khu hoạt động vui chơi trải nghiệm, các trang thiết bị đồ chơi ngoài trời được bố trí hợp lý, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho trẻ hoạt động nhìn như một công viên thu nhỏ tại vườn trường đã tạo nên vẻ đẹp xanh, mát, một không gian thoáng đãng, gần gũi và đặc biệt mang lại sự say mê hấp dẫn cho trẻ khi đến trường mầm non.
Thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, phối hợp với các cơ quan tổ chức, cá nhân để đầu tư, nâng cao chất lượng CSVC, điều kiện phục vụ các hoạt động trong nhà trường.
Thực hiện Chương trình giáo dục có tích hợp nội dung giáo dục dinh dưỡng, sức khoẻ, an toàn, kỹ năng phòng chống dịch bệnh do Covid-19, kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường. Quan tâm đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn trẻ phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, xây dựng khẩu phần thực đơn phong phú hơn, các món ăn mặn được chế biến tăng thêm, thực hiện chế biến 02 món ăn mặn/ bữa chính, cân đối 2,3 bữa có các loại quả; Trú trọng sử dụng nguồn thực phẩm đa dạng, có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm để đảm bảo tính đa dạng của bữa ăn cần phải có ít nhất 5/8 nhóm thực phẩm.
Đảm bảo 100% đồ dùng, đồ chơi, tài liệu, học liệu an toàn, thân thiện, đúng quy định và được kiểm tra, vệ sinh định kỳ, sửa chữa kịp thời nếu có hiện tượng hư hỏng, xuống cấp; đảm bảo công trình vệ sinh, nước sạch và bố trí khu vực để trẻ rửa tay với xà phòng phù hợp với điều kiện thực tế; tăng cường sử dụng vật liệu tái chế, hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; tận dụng tối đa nguồn học liệu sẵn có tại địa phương.
Hành vi của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thân thiện, mẫu mực, là tấm gương để trẻ noi theo; không có hiện tượng mất an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ, cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại Nhà trường.
Thực hiện có hiệu quả mô hình trường học “Xanh- an toàn – thân thiện” là việc làm quan trọng và vô cùng cần thiết đối với hệ thống trường học, đặc biệt đối với các trường mầm non. Xây dựng mô hình trường học “Xanh- an toàn – thân thiện” tạo điều kiện để trẻ tự học và khám phá kiến thức phù hợp với khả năng, năng lực riêng của cá nhân mình. Từng bước thực hiện có hiệu quả mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, xóa bỏ răn đe, dọa nạt, bạo lực học đường góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc để trẻ phát triển tốt tâm sinh lý, hứng thú và yêu thích khi đến Trường mầm non. Môi trường an toàn thân thiện sẽ mang đến cho phụ huynh sự an tâm tuyệt đối về sự gần gữi, yêu thương của cô đối với trẻ, sự phối hợp khăng khít giữa phụ huynh và giáo viên, đánh giá tầm ảnh hưởng của chất lượng giáo dục đối với sự phát triển của trẻ. Kết quả thực hiện của nhà trường trong những năm qua đã khẳng định uy tín chất lượng, sự tin tưởng tuyệt đối của các bậc phụ huynh khi gửi con đến trường mầm non và điều đặc biệt hơn cả là mang đến cho trẻ một khởi đầu hoàn hảo.
Để chủ đề năm học “Xây dựng trường mầm non xanh – an toàn – thân thiện” thực sự đi vào chiều sâu và tạo được môi trường lý tưởng cho trẻ, ngay sau hội nghị viên chức nhà trường đã triển khai ngay đến 100% các nhóm lớp và yêu cầu với sự sáng tạo của giáo viên, các lớp sẽ tạo ra môi trường sáng tạo cho trẻ học tập, vui chơi và khám phá. Kết quả 100% các nhóm, lớp đều tạo ra môi trường xanh – an toàn – thân thiện, tuy nhiên mỗi lớp mang một vẻ khác nhau, từ môi trường trong lớp đến môi trường ngoài lớp học.
Khi nhận được nhiệm vụ nhà trường giao, bản thân các giáo viên trong trường đã nhận thức rất rõ mục đích, yêu cầu của phong trào có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở trường mầm non. Trường học thân thiện của lứa tuổi mầm non là nơi không chỉ tạo điều kiện, cơ hội an toàn cho trẻ vui chơi, học tập mà còn là môi trường sống lành mạnh, an toàn, nơi đó trẻ được đối xử công bằng, được quan tâm chăm sóc, giáo dục, được bảo vệ và tích cực tham gia vào quá trình học tập phát triển nhận thức một cách toàn diện. Vì vậy việc tạo môi trường xanh, an toàn, thân thiện trong lớp học mầm non là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng trường học thân thiện.
Xây dựng môi trường lớp học “xanh – an toàn – thân thiện’ là một yếu tố quan trọng trong việc khuyến khích tính độc lập, tìm tòi, sáng tạo của trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện các mặt phát triển. Vì vậy các cô giáo trong trường đã:
Lên kế hoạch trang trí, chuẩn bị đồ dùng đồ chơi trong từng chủ đề:
Giáo viên từng nhóm lớp đã lên kế hoạch rõ ràng cho việc trang trí môi trường lớp cho từng chủ đề. Để từ đó có sự chuẩn bị về lớp học, về các hình ảnh trang trí xung quanh lớp, về đồ dùng đồ chơi, các nguyên vật liệu ở các góc theo từng chủ đề con. Để trẻ được khám phá lần lượt từng chủ đề một cách hiệu quả.
Cây xanh góp phần tô điểm cho khung cảnh sư phạm thêm xanh, thêm đẹp, ban ngày cây xanh quang hợp nhả ôxy hơi nước và hút khí cacbonic làm cho không khí thêm sạch, mát mẻ, giúp trẻ giảm bớt căng thẳng, tâm hồn thoải mái, trẻ được hít thở không khí trong lành một cách nhẹ nhàng. Ngoài ra cây xanh còn là những vật mẫu thật, sống động để trẻ trực tiếp quan sát, làm quen, tìm hiểu về cỏ cây, hoa lá, một số con vật trong môi trường tự nhiên. Qua đó, cô dạy trẻ chăm sóc cỏ cây, hoa lá, con vật, dạy trẻ biết yêu lao động, yêu thiên nhiên.
Các cô đã trồng nhiều loại cây cảnh khác nhau, lựa chọn các loại cây đẹp, có màu sắc nổi bật, không có gai, không có độc tố gây thương tích cho trẻ, đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiếp xúc với các loại cây đó, những loại cây có nhiều chức năng khác nhau giúp trẻ tìm tòi, khám phá phát hiện ra những điều mới lạ, từ đó tích luỹ được kinh nghiệm cho bản thân. Qua đó trẻ sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên, sự gần gũi giữa thiên nhiên và con người. Để góc thiên nhiên luôn xanh các cô đã dạy trẻ các kỹ năng chăm bón cây, gieo hạt hàng ngày để theo dõi đặc điểm phát triển của cây, tưới nước giáo dục trẻ biết yêu quý và bảo vệ cây xanh và có thái độ thân thiện gần gũi với môi trường. Qua đó trẻ hiểu được tác dụng của cây xanh làm đẹp cho lớp và có tác dụng làm môi trường xanh đẹp trong lành.
Trang trí môi trường lớp học tạo sự thân thiện đối với trẻ.
Để tạo môi trường lớp học thân thiện cho trẻ cô đã trang trí các mảng hoạt động bằng những hình ảnh, những hoạt động thiết thực của trẻ ở trường mầm non.
Tổ chức hoạt động sinh nhật của bé là một trong những hoạt động không thể thiếu được ở mỗi lớp mầm non. Bởi trong hoạt động này không những tạo nên mối quan hệ gắn bó, thân thiết giữa cô vơí trẻ, giữa trẻ với trẻ mà còn giúp trẻ cảm nhận được sự yêu thương của cô giáo, sự quan tâm của bạn bè đối với mình. Từ đó tạo dựng được lòng tin đối với trẻ, khiến trẻ không sợ hãi mỗi khi đến lớp, ngược lại còn tích cực đến trường. Ngẫu nhiên mái trường đã trở thành ngôi nhà thứ hai của trẻ.
Các cô thường tận dụng các sản phẩm của trẻ để trang trí chủ đề hoặc vào các góc chơi trong lớp học. Ví dụ: Ở chủ đề “Thế giới động vật” trẻ được vẽ, xé dán, gấp, nặn các hình con vật thông qua hoạt động có chủ đích và hoạt động ở các góc chơi. Do đó sản phẩm của trẻ tạo ra rất phong phú, các cô đã tận dụng các sản phẩm này trang trí xung quanh lớp ở chủ đề, ở một số góc của lớp để làm nổi bật chủ đề đang thực hiện, tạo được môi trường thân thiện cho trẻ. Giúp trẻ cảm thấy thoải mái, tự hào về những sản phẩm của mình làm ra, từ đó tạo cho trẻ sự phấn khởi, tích cực hoạt động ở các chủ đề sau.
Những hình ảnh trang trí đảm bảo vừa tầm mắt quan sát của trẻ để trẻ có thể giao lưu, trò chuyện về sản phẩm của bạn và của mình. Từ đó cũng tạo cho trẻ những mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ, giúp trẻ ngày càng thêm gắn bó, gần gũi, đoàn kết với các bạn trong lớp.
Bố trí sắp xếp các góc chơi
Các góc chơi được bố trí, sắp xếp phù hợp, linh hoạt để trẻ dễ lấy, dễ quan sát, phục vụ cho việc học hỏi của trẻ. Trẻ được tự học theo hứng thú cá nhân và tổ chức hoạt động vui chơi, tự lựa chọn đồ chơi yêu thích cho mình, trẻ có thể tự hoạt động mà không cần sự hướng dẫn của cô giáo, Vì vậy các đồ dùng, đồ chơi trong các góc phong phú va được sắp đặt vừa tầm với trẻ để trẻ tự lấy, tự cất, tự hoạt động.
Các đồ dùng, đồ chơi trong lớp đảm bảo an toàn cho trẻ, được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp không xa cách, tạo cho trẻ một tâm thế vui vẻ và hứng thú tham gia các hoạt động trong lớp. Sự thân thiện với môi trường trong lớp chính là tạo cho trẻ sự gần gũi.
Thường xuyên vệ sinh môi trường lớp, các đồ dùng, đồ chơi trong lớp
Môi trường trong lớp là nơi hàng ngày trẻ thực hiện các hoạt động học tập và vui chơi. Vì vậy nếu môi trường đó không sạch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của trẻ, trẻ rất dễ mắc các bệnh về hô hấp, các bệnh ngoài da… Vì thế giáo viên trong trường đã thường xuyên vệ sinh môi trường lớp học, thường xuyên cọ rửa đồ dùng, đồ chơi ở các góc để tạo môi trường sạch sẽ cho trẻ học tập và vui chơi được tốt. Như thường xuyên lau nhà, cọ, rửa đồ dùng, đồ chơi, lau chùi giá đựng đồ chơi, lau nhà vệ sinh sạch sẽ để tạo môi trường giáo dục sạch – đẹp – an toàn cho trẻ.
Ngoài ra các cô giáo còn vệ sinh, dọn dẹp khuôn viên trường mỗi ngày, mỗi tuần đảm bảo môi trường xanh, sạch, an toàn và thân thiện cho trẻ;
Hướng dẫn trẻ hoạt động.
Biện pháp này giúp trẻ chủ động tìm kiếm đồ chơi khi cần, triển khai trò chơi, thu dọn và cất đồ chơi đúng nơi quy định.
Tạo môi trường xanh, sạch đẹp, an toàn thân thiện không chỉ trang trí môi trường bên trong và bên ngoài của lớp học mà khu nhà vệ sinh cũng là nơi cô giáo quan tâm và trang trí những hình ảnh phù hợp để giáo dục trẻ có thói quen ngay từ khi còn bé đi vệ sinh đúng nơi quy định. Đi xong biết xả nước, rửa tay bằng xà phòng…Đối với lứa tuổi mầm non, cô giáo đã sử dụng những hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu như ảnh bé trai, bé gái, các hình ảnh về thao tác rửa tay đúng cách cho trẻ nhìn, đó là cách giáo dục trẻ tốt nhất, những hình ảnh đó không gò bó, áp đặt trẻ mà lại thu hút sự chú ý, hấp dẫn trẻ, giúp trẻ cảm thấy gần gũi thân thiện, từ đó tự giác thực hiện nội quy vệ sinh.
Không chỉ cho trẻ hoạt động tích cực trong giờ học mà cô giáo còn cho trẻ hoạt động tích cực ở giờ chơi và mọi lúc mọi nơi. Cho nên việc tạo môi trường học tập xung quanh lớp cho trẻ là rất cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho trẻ hoạt động cá nhân nhiều hơn, được tự do khám phá theo ý thích, theo khả năng của mình giúp trẻ phát hiện nhiều điều mới lạ, hấp dẫn trong cuộc sống, các kiến thức kỹ năng của trẻ được củng cố và bổ sung góp phần thực hiện tốt phương pháp đổi mới giáo dục mầm non một cách toàn diện.
Dưới sự chỉ đạo của Nhà trường cán bộ, giáo viên, nhân viên đã nỗ lực hết mình, suy nghĩ và kết quả đã sáng tạo ra môi trường “xanh, sạch, an toàn và thân thiện” để trẻ được vui chơi, được hoạt động và đặc biệt được sáng tạo giúp trẻ thật sự cảm thấy “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.